Vận tải Biển “nóng rực” trở lại

“Từ vùng Viễn Đông đến Bờ Tây của Mỹ, giá cước vận chuyển container giao ngay có khả năng vượt qua mức đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Biển Đỏ hồi đầu năm”, Emily Stausbøll, nhà phân tích vận tải biển cao cấp của hãng tư vấn vận tải biển Xeneta, nói.

Dữ liệu giá cước vận tải biển của Xeneta cho thấy giá trên thị trường giao ngay đang tăng nhanh và nới rộng mức chênh lệch ngày càng lớn với giá cước trong dài hạn.

“Sự chênh lệch giữa giá cước dài hạn và ngắn hạn càng lớn thì nguy cơ hàng hóa đã lên lịch bốc lên tàu bị từ chối vận chuyển càng cao, điều mà chúng tôi biết là đã xảy ra”, Stausbøll nói.

Giá cước giao ngay đã giảm sau đợt tăng mạnh do khủng hoảng hàng hải Biển Đỏ vào đầu năm 2024. Nhưng kể từ cuối tháng 4, giá cước giao ngay bắt đầu tăng vọt trung bình lên tới 1.500 đô la Mỹ mỗi container trên các tuyến đường đến Mỹ. Hiện một số mức giá cước cao nhất đã tăng gấp đôi so với một tháng trước. Dữ liệu của Xeneta chỉ ra rằng giá cước vận tải biển sẽ tăng cao hơn nữa vào đầu tháng 6 tới.

Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường vận chuyển hàng hóa và chuỗi cung ứng SONAR cho thấy, tỷ lệ container 20 foot mà các hãng vận tải biển từ chối vận chuyển đang tăng lên. Ảnh: CNBC

 

Đợt tăng giá cước vận tải biển mới nhất diễn ra sau đợt tăng vào đầu năm do khủng hoảng hàng hải ở Biển Đỏ. Chi phí tăng giá dịch vụ hậu cần cuối cùng sẽ được chuyển sang người tiêu dùng. Giá cước vận tải biển tăng chóng mặt trong thời kỳ đại dịch Covid-19 một trong những yếu tố được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) coi là nguyên nhân gây ra lạm phát. Gần đây, các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần đồng loạt cảnh báo các chủ hàng trên khắp thế giới, bao gồm các nhà bán lẻ lớn, về tình trạng thiếu container rỗng.

Container rỗng thiếu hụt nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn tới chi phí

“Các hãng vận tải biển đang phải đối mặt với tình trạng thiếu container rỗng nghiêm trọng do tắc nghẽn kéo dài, các chuyến tàu bị hủy… Rất nhiều lô hàng bị trì hoãn vận chuyển do thiếu hụt container rỗng dẫn đến tình trạng tồn đọng lớn. Vì vậy, công suất trên thị trường vận tải biển sẽ bị hạn chế hơn nhiều”, Orient Star Group, nhà cung cấp dịch vụ kho vận, vận chuyển đường biển và đường hàng không ở Hồng Kông, cảnh báo trong thư gửi cho khách hàng.

Orient Star Group cho biết, đợt tăng cước mới được ấn định vào ngày 1-6 sẽ khiến chi phí vận chuyễn mỗi container tăng thêm 1.000 đô la Mỹ, do các hãng vận tải biển “hơi tham lam” trước nhu cầu tăng đột ngột.

MSC, hãng vận tải biển lớn nhất thế giới, đã công bố mức giá giá cước mới từ 8.000-10.000 đô la cho mỗi container 40 foot vận chuyển đến Bờ Tây của Mỹ, có hiệu lực từ ngày 15-5 đến ngày 31-5.

Hãng tàu Wan Hai Lines của Đài Loan cho biết sẽ tính thêm phí để bảo đảm không gian trên tàu.

Trong thông báo gửi cho khách hàng, hãng dịch vụ giao nhận Honor Lane Shipping (HLS) ở Hồng Kông cảnh báo, trong khi giá cước giao ngay tiếp tục tăng cao, năng lực vận chuyển hàng hóa từ châu Á tiếp tục thắt chặt. “Điều đó đã cho phép các hãng vận tải áp dụng ‘giá cước kim cương’ như trong thời kỳ đại dịch”, thư có đoạn. Công ty cảnh báo việc các hãng vận tải biển hủy ghé cảng càng làm tăng áp lực lên giá cước.

Hãng nghiên cứu vận tải biển Drewry cho biết, có tổng cộng 17 hành trình bị hủy trên tuyến xuyên Thái Bình Dương từ tuần 20 (tuần này) đến tuần 24 trong lịch vận chuyển của các hãng vận tải biển.

HLS cho biết những trở ngại trên sẽ không sớm cải thiện do nền kinh tế tiêu dùng Mỹ vẫn còn mạnh mẽ. Với doanh số bán lẻ trong năm 2024 của Mỹ được dự báo tăng từ 2,5-3,5%, HLS dự đoán tình hình không gian thắt chặt trên các tàu container sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất đến tháng 6.

Bà Anh Nguyên, đại diện Công ty TNHH thương mại dịch vụ T.M.A, giải thích các hãng tàu nay báo giá cước hằng tuần, không có chuyện hằng tháng nữa và cước vận tải biển đã tăng sốc từ hơn 1 tháng qua. “Tưởng khủng hoảng của dịch bệnh do thiếu container đã qua, giá cước vận tải biển sẽ không có những đợt tăng giá sốc như vậy. Thế nhưng, sau đợt tăng giá do ảnh hưởng xung đột ở biển Đỏ, tàu phải đi đường vòng, thay đổi lịch trình, rồi mua bảo hiểm… nên cước phí tăng. Khủng hoảng hàng hải đó hiện vẫn tác động lớn đến thị trường vận tải biển do tình trạng tắc nghẽn đột biến tại cảng Singapore, cảng container lớn thứ hai thế giới.

Giá cước tàu biển biến động liên tục, gây khó cho doanh nghiệp

Thị trường vận tải biển đang rơi vào khủng hoảng khó khăn hơn cả thời điểm Covid-19. Lượng container đang chờ để rời khỏi cảng này quá lớn. Thế nên, có hãng tàu báo họ phải chờ để cập cảng mất thời gian gấp 3 lần so với trước. Tình trạng không có tàu nên giá cước tăng đột biến lại xuất hiện, gấp 2 – 2,5 lần so với 2 tháng trước. Tàu giảm chuyến nhiều, hàng hóa phải gom lại chờ đầy mới đi. Khách hàng thấy giá cước tăng khó tin, cũng hủy booking liên tục”, bà Nguyên than trời.

Ông Nguyễn Lý Trường An, chuyên gia thương mại – Phó giám đốc Công ty Global SeaAir, nói hiện chỉ số tắc nghẽn cảng toàn cầu đã chạm mốc 2 triệu TEU, tương đương gần 7% tổng sức chở toàn cầu, trong khi bình thường chỉ ở mức 2 – 4%. “Hiện khách hàng phía Trung Quốc đang đẩy mạnh việc nắm giữ container và đặt giữ chỗ, đẩy giá cước lên cao. Chỉ số vận chuyển container Thượng Hải đã tăng đến 42% trong hơn 1 tháng qua. Đây là chỉ số rất lớn trong nhóm các cảng lớn trên toàn cầu. Chỉ số container toàn cầu là đại diện cho giá cước vận tải container giao ngay trên các tuyến vận tải quốc tế lớn, nay đã quay về vùng đỉnh của thời dịch Covid-19. Một số DN xuất khẩu từ VN đang có hiện tượng găm hàng, đợi giá giảm mới tiến hành đặt chỗ. Tuy vậy, đây là tính toán theo ý chủ quan của DN”.

Chỉ số Drewry trong tuần 19/2024 tăng 16%, lên 3.159 USD cho mỗi container 40ft so với tuần trước đó, tăng 81% khi so sánh với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 122% so với mức trung bình năm 2019 trước đại dịch Covid-19 (1.420 USD). Một số tuyến quan trọng như Thượng Hải đến Rotterdam, giá cước vận tải biển trong tuần 19/2024 tăng 20%, lên 3.709 USD/container 40ft; đối với tuyến từ Thượng Hải đến Los Angeles, giá cước tăng 18%, lên 3.988 USD/container 40ft.

So với đầu năm 2024, chỉ số Drewry đã leo lên 3.227 USD/container 40ft, cao hơn 512 USD so với mức trung bình 10 năm là 2.714 USD.

Kể từ khi xung đột Hamas – Israel bùng phát, Houthi đã nhiều lần tấn công các tàu đi qua biển Đỏ, gây quan ngại về hoạt động vận tải trên tuyến đường biển quan trọng này. Các chuyến tàu hàng phải nhanh chóng thay đổi hành trình, đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi.

Đáng lưu ý, Maersk – hãng tàu chuyên chở khoảng 20% khối lượng hàng hoá thương mại toàn cầu cho biết, trong vài tuần trở lại đây, Houthi đã tìm cách tấn công các tàu di chuyển trên Ấn Độ Dương trên hành trình vòng tránh qua mũi Hảo Vọng. Khu vực rủi ro mở rộng khiến các tàu vận tải của Maersk phải kéo dài hành trình, làm tốn thêm thời gian và chi phí tăng cao.

Các chuyến đi vòng qua châu Phi đòi hỏi các hãng vận tải phải điều động thêm tàu cũng như thiết bị, khiến năng lực của ngành vận tải tuyến Á – Âu ước tính suy giảm từ 15 – 20% trong quý II năm nay.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, thị trường vận tải biển dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần chủ động kế hoạch sản xuất và kế hoạch vận tải, đảm bảo việc ký kết hợp đồng dài hạn nhằm hạn chế tác động do biến động giá cước.

Ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin, các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải chịu tác động kép từ giá cước vận tải tăng và đồng USD tăng giá. Do đó, nhiều doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược, hạn chế nhận hoặc tạm dừng các đơn hàng ở các thị trường xa như châu Âu, Mỹ, Trung Đông, ưu tiên cho các thị trường gần, dễ giao nhận như Nhật Bản, Trung quốc, Hàn Quốc.

Hiện nay, năng lực vận tải của Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Hải An, mã chứng khoán HAH) là 18.000 TEU, chiếm gần 40% tổng sức chở của ngành vận tải container Việt Nam. Trong quý I/2024, do giá cước vận tải biển giảm, giá cho thuê tàu cũng giảm, dẫn tới lợi nhuận sau thuế của hoạt động khai thác tàu chỉ đạt hơn 59 tỷ đồng, bằng một nửa cùng kỳ năm 2023 và là mức thấp nhất trong 13 quý gần nhất. Công ty phải tăng thêm các chi phí về bảo hiểm chiến tranh khu vực biển Đỏ lên khoảng 13 lần so với trước đây, chi phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu tăng xấp xỉ 6%.

Tuy nhiên, tình hình giá cước đang tốt hơn, trong số 12 tàu của Hải An, có 4 tàu đang được cho thuê tại khu vực Trung Đông, gần với khu vực biển Đỏ. Việc giá cước toàn cầu quay trở lại mức cao tạo điều kiện cho các tàu còn lại của Hải An đang hoạt động trên tuyến nội địa và nội Á có thể chào giá cước cao hơn thông thường.

Năm 2024, Hải An có kế hoạch tăng công suất vận tải thêm 45%, thông qua việc nhận 2 tàu container mới là HCY-266 và HCY-268. Hai tàu này dự kiến sẽ được đưa vào khai thác trong nửa cuối năm nay.

Tại Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã chứng khoán PVT), quy mô đội tàu sở hữu và quản lý tính đến cuối năm 2023 là 51 tàu, với đa dạng chủng loại từ tàu dầu thô, tàu dầu sản phẩm, tàu dầu hóa chất, tàu LPG và tàu hàng rời. PV Trans đặt mục tiêu đầu tư thêm 2 – 3 tàu trong năm 2024, trong đó quý I đã đầu tư 1 tàu.

Chủ tịch Hội đồng quản trị PV Trans Phạm Việt Anh cho hay, đội tàu hiện nay của PV Trans có khoảng 90% hoạt động trên thị trường quốc tế. Chi phí quản lý vận hành các tàu tương đối thấp, khoảng 10 – 15% so với công ty nước ngoài. Doanh nghiệp đang chuyển dịch từ thị trường châu Á, Đông Nam Á, Nhật Bản, Trung Đông sang phân khúc thị trường trung và cao, như Mỹ, châu Âu – những nơi có tiêu chuẩn cao. Theo đó, giá cước tăng sẽ thúc đẩy doanh thu mảng vận tải.

Doanh thu mảng vận tải của PV Trans năm 2024 và 2025 được SSI Research ước tính sẽ tăng trưởng lần lượt 20% và 13%, đạt đạt 9.100 tỷ đồng và 10.300 tỷ đồng.

Với Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco, mã chứng khoán VOS), đội tàu cũng đa dạng, gồm 7 tàu hàng khô, hàng rời, 4 tàu dầu sản phẩm, 2 tàu container. Trong quý I/2024, Vosco đã thuê thêm 2 tàu dầu/hoá chất Đại Hưng và Đại Thành theo hình thức thuê tàu trần trong 3 năm. Các tàu hoạt động không hạn chế trên các tuyến trong nước và quốc tế, nhưng Công ty khai thác nhiều hơn ở các tuyến nội Á, Tây Phi, Úc, Nam Mỹ.

Định hướng của Vosco là tập trung vào việc thuê tàu ngoài theo hình thức thuê định hạn, tàu trần, thay vì sở hữu nhiều tàu. Mục tiêu của Công ty là duy trì đội tàu thường xuyên khoảng 14 – 15 tàu. Với việc hơn 90% doanh thu đến từ lĩnh vực vận tải biển, giá cước tốt như hiện tại sẽ tạo bàn đạp để Vosco tăng nguồn thu. Ngoài ra, nguồn thu từ thanh lý tàu Đại Minh trong quý II sẽ đóng góp vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp năm 2024.

Theo: Thanhnien, Kinhtesaigononline, Tinnhanhchungkhoan

Zalo
Hotline tư vấn miễn phí: 0931587988